Nhằm chống khai thác cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản, tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU để gỡ thẻ vàng IUU.
Truy xuất nguồn gốc thủy sản gặp nhiều khó khăn
Những năm vừa qua, tàu cá khai thác hải sản của các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chủ yếu bán sản phẩm cho các vựa, sản lượng cập cảng cá chỉ định chưa nhiều. Một số ít các tàu cá có cập cảng.
Tuy nhiên, khi đối chiếu lịch sử hoạt động trên biển thông qua giám sát hành trình với nhật ký khai thác thủy sản, phần lớn đều “không trùng khớp” nhau nên không thể xác nhận nguyên liệu thủy sản cho các doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thể chứng minh các sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ khai thác hợp pháp.
Bên cạnh đó, do đặc thù công việc đánh bắt thủy sản chủ yếu hoạt động liên tục trên biển, nên việc ghi chép hành trình đánh bắt tàu cá thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, yêu cầu của Ủy bản Châu Âu (EC) về vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản là rất khắt khe trong quá trình xem xét việc rút “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đặc biệt là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã xác định rõ việc triển khai các giải pháp nhằm truy xuất nguồn gốc thủy sản là rất khó khăn nhưng nhất định phải quyết tâm thực hiện.
Quyết tâm thực hiện
Nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU cảnh cáo thủy sản của EC, trong thời gian qua, các địa phương ven biển trên cả nước đã quyết liệt triển khai công tác chứng nhận khai thác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, nhằm đáp ứng những khuyến nghị của EC.
Tỉnh Cà Mau hiện có trên 4.900 phương tiện tàu cá đăng ký với tổng công suất 582.658KW. Trong đó, số lượng tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m là hơn 1.880 phương tiện với tổng công suất 39.411KW; tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 1.387 phương tiện với tổng công suất 141.979KW; tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.690 phương tiện với tổng công suất 401.268KW.
Ông Trần Văn Trường, thuyền trưởng tàu cá ngụ tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Nhà nước quy định thì mình cũng tuân thủ làm theo, nhưng việc ghi chép này thật ra tốn rất nhiều thời gian công sức. Trên tàu đa phần anh em đều làm nhiệm vụ đánh bắt xuyên suốt ít có thời gian nghỉ ngơi nên việc ghi chép tỉ mỉ loại cá, trọng lượng đánh bắt… là việc làm rất khó thực hiện. Tôi cũng đề xuất nên có cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn tạo thuận lợi cho tàu và thuyền trưởng trong việc thực hiện công việc này”.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau – ông Châu Công Bằng thông tin: Thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, chủ trương của UBND tỉnh, kiên quyết không cho ra biển đối với tàu cá làm nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và các tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên không có biên bản kiểm tra cập, rời cảng của cơ quan chức năng.
Tăng cường công tác nắm địa bàn, kiểm soát tốt, chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cửa biển trình Trạm Kiểm soát Biên phòng và cập, rời cảng cá chỉ định, có đối chiếu số liệu hàng tháng giữa các lực lượng có liên quan;
Kịp thời thông tin với nhau các trường hợp tàu cá khai thác thủy sản không có, không ghi, ghi không đầy đủ, ghi không đúng nhật ký khai thác thủy sản; khai thác sai vùng; không cập cảng cá có tên trong danh sách cảng cá chỉ định; tàu cá hết hạn về đăng ký, đăng kiểm; các hình thức xử lý có liên quan.
Theo quy định của các cơ quan chức năng, các tàu thuyền phải thông báo trước 2 giờ khi tàu rời cảng hoặc cập cảng và phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin để lực lượng chức năng để kiểm tra đối chiếu nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì được đóng dấu vào giấy xác nhận.
Mặt khác, theo Điều 4, Thông tư 21/2018/TT- của Bộ NNPTNT quy định về chứng nhận nguồn gốc thủy sản, thuyền trưởng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên hàng ngày ghi nhật ký khai thác thủy sản; nộp nhật ký này cho tổ chức quản lý cảng cá trong thời hạn 24 giờ sau khi tàu hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản qua cảng.
Đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12m, thuyền trưởng phải ghi báo cáo khai thác thủy sản; nộp cho tổ chức quản lý cảng cá theo định kỳ 1 tuần/1 lần.