“Trong cuộc sống này, ngoài 2 con gái ở Mỹ, tôi dành hết sự quan tâm cho công nghệ”, Nguyễn Trọng Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Huy Hoàng, tâm sự.
Louis Nguyễn, Giám đốc Điều hành Quỹ SAM và cũng là nhà đầu tư tài chính chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ thông tin Mỹ, kể rằng, có 3 người Việt ở thung lũng Silicon mà anh đánh giá cao nhất. Đó là Nguyễn Trung Dung (hiện làm ở Công ty Mobivi, Việt Nam), Nguyễn Anh Tú (Sony Ericsson, Mỹ) và Nguyễn Trọng Vũ. Riêng với Nguyễn Trọng Vũ, Louis Nguyễn nhận xét: “Vũ là một chuyên gia kỹ thuật nhiều kinh nghiệm. Anh ấy luôn biết mình đang làm gì”.
Vị Giám đốc cao cấp người Việt tại Cisco
Có hai điều khiến những người biết Nguyễn Trọng Vũ thường nhớ đến. Thứ nhất, khi làm Giám đốc Kỹ thuật của Công ty StrataCom (Mỹ), anh đã tham gia thiết kế và phát triển hệ thống chuyển mạch gói ATM (Asynchronous Transfer Mode), một trong những phương pháp kết nối mạng WAN nhanh nhất hiện nay với tốc độ 622 Mbit/s hoặc cao hơn thế. Chính vì lý do này mà Tập đoàn Cisco đã chi 4,4 tỉ USD để mua lại toàn bộ StrataCom vào năm 1996 và sáp nhập vào Cisco.
Lúc này, Vũ chuyển sang làm Giám đốc Kỹ thuật của Cisco. Tại đây, anh quản lý đội ngũ nhân viên đến 500 người, làm việc ngày đêm. Được sự hỗ trợ của đội ngũ tiếp thị và bán hàng hùng mạnh của Cisco, công nghệ ATM mau chóng thịnh hành trên thế giới. Doanh thu từ lĩnh vực này của Cisco từ mức 100-150 triệu USD/năm đã nhanh chóng tăng lên gấp 5-7 lần.
Sự kiện thứ hai là việc Vũ trở thành Phó Chủ tịch Infinera năm 2003. Chuyên về các thiết bị viễn thông, Infinera là một điển hình của các công ty công nghệ phát triển rất nhanh tại thung lũng Silicon, đối thủ trực tiếp của các hãng lớn như Cisco, Qualcomn… Khi mới thành lập, Infinera chỉ có vài chục người nhưng nhờ vào công nghệ băng thông rộng 100GbE (phổ biến lúc đó chỉ là băng thông truyền 10 Gigabit chuyên dụng/giây), Công ty đã lớn mạnh rất nhanh. Năm 2006, Công ty lên sàn với tổng vốn hóa thị trường là 750 triệu USD, nhưng lợi nhuận gộp hằng năm của mỗi một cổ phiếu là 22,1%, được tổ chức chuyên về chứng khoán của Mỹ The Motley Fool bầu chọn là “cổ phiếu 5 sao”.
Nguyễn Trọng Vũ thừa nhận: Infinera mang đến cho anh sự nổi tiếng và nguồn tài chính đáng kể cho công việc kinh doanh sau này.
Khai sáng công nghệ vi mạch Việt Nam
Sau 3 năm ở Infinera, năm 2006, Nguyễn Trọng Vũ tìm đến bến đỗ mới là tập đoàn Applied Micro Circuits Corporation (AMCC), chuyên về thiết kế vi mạch, bo mạch dẫn… với vị trí Phó Chủ tịch Khối kỹ thuật.
Năm 2007, Vũ về Việt Nam để tìm hiểu thị trường. Theo anh, Việt Nam có chi phí lao động rẻ và điều này sẽ kéo dài lâu hơn Trung Quốc vì nước này đang dần đắt đỏ hơn. Anh về Mỹ trình bày kế hoạch đặt nhà máy thiết kế và sản xuất của AMCC tại Việt Nam.
Công ty AMCC Việt Nam do Nguyễn Trọng Vũ làm Tổng Giám đốc được thành lập vào năm 2008 với mục tiêu nghiên cứu, phát triển các loại vi mạch, bo mạch dẫn, phần mềm phục vụ cho các tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông trong khu vực châu Á. Sau Ấn Độ, đây là trung tâm nghiên cứu và thiết kế vi mạch có quy mô lớn thứ hai trên thế giới của AMCC.
Nếu Intel mất đến hơn 2 năm để đào tạo nhân lực cho nhà máy sản xuất của mình tại Việt Nam thì bài toán đào tạo vài chục kỹ sư trình độ cao để thiết kế và sản xuất vi mạch tại Việt Nam của AMCC càng khiến hãng này đau đầu. Vũ đề nghị công ty mẹ lập 2 phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch ở Đại học Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức) và 1 ở Đại học Bách Khoa TP.HCM (Q.10) để tài trợ đào tạo cho sinh viên về thiết kế vi mạch. Mỗi phòng thí nghiệm trị giá gần 10 triệu USD. Theo Tiến sĩ Paramesh Gopi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành AMCC, ngay trong năm đầu hoạt động, các kỹ sư thiết kế bo mạch người Việt đã hoàn thành 2 sản phẩm chip năng lượng (power – chip), mang lại doanh thu khoảng 10 triệu USD. Hiện nay, AMCC có 72 kỹ sư Việt Nam làm việc với khả năng thiết kế vi mạch và phát triển phần mềm bắt kịp trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới.
Và khởi xướng công nghệ RFID tại Việt Nam
Theo kế hoạch, sau khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Nguyễn Trọng Vũ sẽ quay lại Mỹ để thực hiện các kế hoạch lớn hơn cho Tập đoàn AMCC.
Trong thời gian ở Việt Nam, anh đã gặp gỡ Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và anh Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Họ cho anh biết, Việt Nam đang cần phát triển công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) và hỏi liệu anh có muốn triển khai chúng tại Việt Nam hay không.
RFID là phương pháp nhận dạng tự động dựa trên khả năng lưu trữ và nhận dữ liệu từ xa bằng các thiết bị thẻ có kích thước nhỏ được gắn vào sản phẩm, người hoặc động vật. Công nghệ này hiện rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước thiên về xuất khẩu.
Nguyễn Trọng Vũ, vốn chưa hề có kinh nghiệm về RFID, có 1 tháng để trả lời. “Sau đó, Vũ thông tin cho tôi là anh ấy sẽ làm dự án này. Không hiểu sao anh ấy làm rất nhanh”, anh Tân, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết.
“Kinh nghiệm gần 30 năm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bo mạch là nền tảng giúp tôi hiểu về RFID rất nhanh”, Vũ cho biết. Ba tháng sau, anh nghỉ làm ở AMCC và thành lập Công ty Huy Hoàng (SplendID Technology) vào cuối năm 2009. Đây là công ty Việt Nam thứ hai (tính đến tháng 3.2010) nhận được ưu đãi lớn của Ủy ban Nhân dân TP.HCM: 5 năm đầu không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 năm tiếp theo chỉ đóng 50%.
Nguyễn Trọng Vũ dự đoán, sau 1 năm hoạt động, Công ty sẽ có lãi. “Cái khó của RFID là giá cả chứ lợi ích của nó thì chỉ cần 2 phút là thuyết phục được khách hàng. Một thẻ RFID có giá khoảng vài ngàn đồng nhưng đầu đọc đi kèm thì khoảng 6.000 USD/chiếc. Tùy theo quy mô sản xuất mà doanh nghiệp phải lựa chọn cách đầu tư tương ứng”, Vũ nói.
Cũng giống như những công ty Vũ từng làm trước đó, Huy Hoàng không phải là công ty của riêng một mình anh mà do rất nhiều người đầu tư thành lập, cả nhân viên cũng được chia cổ phần. Kinh nghiệm của anh là: “Dù bạn có thể xây dựng đội ngũ nhân viên kỹ thuật giỏi nhưng họ sẽ không ở với bạn nếu không bán được hàng. Muốn làm được điều đó cần có mối quan hệ và sự đồng tâm của nhân viên. Điều này cũng tương tự như đem 1 tỉ cổ phần nhân với số 0 vẫn là 0, tức việc nếu kinh doanh một mình sẽ không thành công. Nhưng nếu 1.000 cổ phần nhân với 100.000 đồng thì sẽ ra 1 số tiền khá lớn”.
Theo báo: nhipcaudautu.vn
Đăng: Thứ Hai | 05/04/2010 14:23